CĐV Đông Nam Á có nhiều bình luận trái chiều về mục tiêu phấn đấu dự World Cup 2034 của ĐT Việt Nam.
Ngày 5/7, Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được phê duyệt. Đáng chú ý, đội tuyển bóng đá nam quốc gia (ĐT Việt Nam) được đặt mục tiêu tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2023 và dự VCK World Cup 2034.
Ngay sau khi thông tin được phát đi, CĐV Đông Nam Á đã có những bình luận về mục tiêu tham dự World Cup 2034 của ĐT Việt Nam.
Một người hâm mộ trong nước cho rằng với việc không sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam gặp nhiều thách thức: “Năm 2022 chúng ta đã lọt vào vòng loại thứ 3, dự VCK World Cup nữ, World Cup futsal nhưng giờ không có cầu thủ nước ngoài nên khó có thể làm lại lần nữa.”
Một CĐV Indonesia thì nhắc tới vòng loại Asian Cup, nơi ĐT Việt Nam vừa để thua Malaysia với tỉ số 0-4: “Đầu tiên, trước khi đủ điều kiện tham dự World Cup, hãy nghĩ đến việc đủ điều kiện tham dự Asian Cup và cố gắng cạnh tranh với 10 đội đứng đầu.”
“Trong quá khứ các bạn đã từng giành Huy chương Vàng SEA Games, Bán kết Asian Games, Tứ kết Asian Cup, Chung kết U23 châu Á nên các bạn cần đặt mục tiêu cao hơn trước”, một CĐV khác bình luận.

“Đối với bóng đá nữ, Việt Nam có thể làm được, nhưng với bóng đá nam thì tôi nghi ngờ!”
“Là một người Việt Nam, tôi nghĩ dự World Cup 2034 không phải là ý tưởng hay. World Cup futsal và World Cup nữ có lẽ hay hơn”, nhiều cổ động viên đưa ra quan điểm.
Trong khi đó, nhiều người hâm mộ trong khu vực cũng bày tỏ sự khích lệ và động viên cho “Những Chiến binh sao Vàng: “Thật tuyệt Việt Nam, tôi thích kế hoạch và tinh thần của bạn. Chúc may mắn và có thể đạt được kết quả tối đa trong tương lai.”
Sau giai đoạn vàng son từ 2018-2022, bóng đá nam Việt Nam có dấu hiệu thoái trào với liên tiếp các kết quả không tốt ở đấu trường châu lục. Điều này đến từ nhiều yếu tố, nổi bật có thể kể tới là việc dàn cầu thủ trụ cột đã đuối sức trong khi lứa kế cận chưa đáp ứng yêu cầu hay sự phát triển nhanh chóng của những đối thủ trong khu vực Đông Nam Á mà phần lớn đến từ chính sách nhập tịch.