SHB FC và Friendly FC đã có một cuộc hội ngộ đặc biệt sau vòng bảng VPL-S6, nơi tình yêu bóng đá và sự tử tế vượt qua mọi ranh giới của chuyên nghiệp và phong trào.
Sau khi vòng bảng VPL-S6 khép lại, SHB FC đã có một buổi gặp gỡ đầy ấm áp và ý nghĩa với những chàng trai sinh viên đến từ Khánh Hòa – đội bóng mang tên Friendly FC.
Friendly FC được thành lập từ năm 2010 bởi bảy sinh viên năm nhất với chung niềm đam mê trái bóng tròn. Họ không có ông bầu, không nhà tài trợ, tất cả chi phí duy trì đội bóng đều đến từ công việc làm thêm như chạy xe ôm, bồi bàn, giao hàng hay làm hướng dẫn viên du lịch. Với họ, bóng đá không phải để tìm kiếm vinh quang, mà đơn giản chỉ là khát khao được ra sân, được chơi hết mình.
HLV Trương Châu Anh – người đã đồng hành cùng đội từ những ngày đầu tiên xúc động chia sẻ: “Trước khi vô địch KPL-S4, chúng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đi xa đến vậy. Nhưng sau chức vô địch ấy, niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi lo vì kinh phí ra Hà Nội tham dự VPL là một bài toán quá lớn với chúng tôi”.
Giữa lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, một “phép màu” đã đến từ chính cộng đồng bóng đá phong trào. Những đội bóng như SHB FC, Điện Bách Khoa Ninh Thuận hay Thiên Khôi đã chủ động đứng ra hỗ trợ kinh phí cho hành trình của Friendly FC. HLV Châu Anh kể lại: “Mỗi lần nghe tin có ai hỗ trợ, dù đang ăn hay nghỉ ngơi ở khách sạn, các bạn cũng vỡ òa như thể vừa ghi bàn thắng”.
Với SHB FC – một trong những đội bóng kỳ cựu nhất của hệ thống sân 7, bóng đá không chỉ là một môn thể thao mà còn là một phần văn hóa doanh nghiệp. Tình yêu bóng đá ở đây được khơi nguồn từ Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và lan tỏa tới từng cán bộ nhân viên của Ngân hàng SHB. Các đội bóng nam và nữ của SHB FC đều có bề dày thành tích, nhiều lần giành chức vô địch các giải đấu ngành và địa phương.

Ông Lê Trọng Thủy – Giám đốc Kỹ thuật đội bóng nam SHB FC nhấn mạnh: “Bóng đá không chỉ là chuyện thắng thua, mà còn là câu chuyện về giá trị, sứ mệnh và văn hóa. Friendly FC chính là hình ảnh chân thực nhất cho tinh thần mà chúng tôi luôn hướng đến”.
Theo ông Thủy, buổi gặp gỡ với Friendly FC sau vòng bảng không chỉ đơn thuần là một cuộc giao lưu, mà còn là một khoảnh khắc kết nối đầy ý nghĩa. “Chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê thuần khiết và tinh thần vượt khó của các em. Vì thế, chiếc áo đấu có chữ ký toàn đội SHB FC mà chúng tôi tặng không chỉ là món quà lưu niệm, mà còn là sự công nhận chân thành dành cho những người anh em cùng chung tình yêu bóng đá”.

Đối với HLV Trương Châu Anh, cuộc gặp ấy là một kỷ niệm không thể nào quên. “Tôi cảm giác như mình đang được chơi bóng cùng các thần tượng quốc gia vậy. Nhưng điều khiến tôi cảm động nhất là họ rất gần gũi, thậm chí đứng chờ để chụp hình cùng chúng tôi, còn chủ động rủ các em nhỏ đến trò chuyện”.
Sau vòng bảng, SHB FC tiến vào tứ kết, còn Friendly FC trở về Khánh Hòa, mang theo một kỷ niệm mà có lẽ cả đời họ cũng không quên. Dù hành trình của hai đội rẽ theo hai hướng khác nhau, nhưng họ đều mang theo một giá trị chung: niềm tin rằng bóng đá là cầu nối con người, là nơi lan tỏa tinh thần tích cực và nuôi dưỡng những điều tử tế vượt khỏi ranh giới giữa chuyên nghiệp và phong trào.